Ba kích tím (hay còn gọi là ba kích tía) là một loại cây thuốc quý mọc trong rừng, có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe như: bồi bổ khí huyết, mạnh gân cốt, chữa đau lưng mỏi gối, tê bì chân tay,… Tuy nhiên, do khai thác quá mức và môi trường sống bị thu hẹp, ba kích tím đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bài viết này Agri360 sẽ cung cấp cho bạn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ba kích tím hiệu quả từ A đến Z, giúp bạn có thể tự trồng loại cây quý này tại nhà hoặc phát triển mô hình kinh tế hiệu quả.
Contents
1. Đặc điểm cây ba kích tím
Cây ba kích là một loại cây mọc hoang bên ngoài tự nhiên. Ở Việt Nam, cây thường phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn,…
Cây ba kích là giống cây lâu năm, dạng dây leo, thân cỏ. Thân có hình trụ tròn và phân nhiều nhánh. Các cành non có lông thô màu nâu, còn các cành già sẽ nhẵn và không có lông. Lá của cây ba kích có hình elip thuôn dài, lá đơn nguyên có cuống, mọc đối chéo hình chữ thập.
Hoa của cây ba kích khi còn non sẽ có màu trắng ngà, sau hơi vàng. Quả ba kích có hình cầu, có màu đỏ khi chín. Rễ hình trụ tròn, cong và thành từng đoạn, có phần thịt dày. Phần rễ của cây ba kích được sử dụng để làm các loại thuốc rất tốt cho sức khỏe.
2. Điều kiện trồng cây ba kích tím
– Khí hậu: Cây có đặc điểm ưa bóng khi cây non, khi trưởng thành thì ưa sáng. Do đó, cây ba kích tím thích hợp trồng ở những vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Cây không trồng được những vùng khí hậu quá lạnh.
– Đất thích hợp trồng cây ba kích là những vùng đất nhiều mùn, tơi xốp, đất ẩm mát thoát nước tốt, có tầng đất dày trên 1m như đất feralit đỏ vàng, đất feralit giàu mùn trên núi.
– Thời vụ trồng: Cây ba kích tím được trồng vào 2 vụ trong một năm. Vụ Xuân (từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch). Vụ Hè – Thu (trồng vào tháng 5 đến tháng 7 âm lịch).
3. Cây ba kích tím có công dụng gì?
Do có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người nên cây ba kích tím được ưa chuộng và trồng phổ biến. Rễ của cây ba kích tím được sử dụng để làm các bài thuốc nam, ngâm rượu làm thuốc chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt là đối với người già và nam giới. Cây ba kích tím hỗ trợ và điều trị các bệnh như: bệnh dây thần kinh, bệnh đau xương khớp, đầy hơi chướng bụng, ăn uống kém, phụ nữ tử cung lạnh, rối loạn kinh nguyệt, nam giới yếu sinh lý, rối loạn cương dương,…
4. Chọn cây ba kích giống
Trong kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ba kích tím, việc chọn cây giống ba kích vô cùng quan trọng. Việc chọn được một cây giống tốt, đảm bảo chất lượng sẽ giúp quá trình trồng và chăm sóc cây hiệu quả, đạt năng suất cao.
Đối với cây con giống gieo từ hạt thì cây phải đạt độ tuổi từ 3-4 tháng, có 5-6 cặp lá và cây cao 20-25cm. Cây ươm từ hom giống có chồi thứ cấp cao từ 20-25cm, sau 2-3 tháng tuổi có 5-6 cặp lá trở lên, rễ dài 5-6cm.
5. Kỹ thuật trồng cây ba kích tím
5.1. Lựa chọn đất trồng
– Trước khi trồng cây ba kích, bà con cần chọn đất trồng ẩm mát, chân đất cao, tốt nhất là đất thịt nhẹ pha cát tơi xốp có tầng canh tác dày hoặc đất đồi feralit đỏ vàng để trồng cây ba kích. Nếu bà con trồng trên đất có tầng mùn dày thì cần bổ sung thêm phân chuồng hoai mục.
Ngoài ra bà con có thể cải tạo đất cho cây trồng: Cải tạo đất với chế phẩm vi sinh trước khi trồng. Dùng men vi sinh EM khoảng 7 đến 15ml pha cùng với nước để ủ đều lên diện tích đất trồng cây. Khi độ ẩm đất trồng đạt nước 70-80% là đạt yêu cầu.
5.2. Làm đất và bón phân
– Đối với đất rừng: Trong quá trình làm đất, bà con giữ lại các cây gỗ và cây gỗ tái sinh có giá trị, nhằm tạo bóng mát và phát triển rừng, tạo dàn che nắng cho cây ba kích.
+ Hố trồng được thiết kế thành các hàng song song, kích thước 50x50x50. Đất cuốc lên cần đập nhỏ, để riêng đất đáy và đất mặt trên miệng hố, tiến hành phơi ải từ 1-2 tháng sau đó bón lót và lấp hố lại.
+ Bón phân: Bón lót bằng phân chuồng hoai mục, phân lân, hoặc phân NPK cho mỗi hố. Liều lượng thích hợp trộn cùng với đất đã được phơi ải rồi lấp xuống hố. Khi lấp hố vun đất thành hình mai rùa cao hơn miệng hố 15cm, rộng khoảng 0,6-0,8m.
– Đối với đất vườn: Sau khi xử lý hết cỏ dại, bà con phân hàng và có thể trồng thêm hàng cây phụ trợ giữa hai hàng ba kích. Cách trồng cây ba kích này giúp cải tạo đất vườn và ngăn ngừa mưa lớn làm rửa trôi, xói mòn đất, đặc biệt chúng có thể giúp cây ba kích leo bám và tạo bóng che nắng cho cây.
Đối với đất vườn bằng phẳng thì nên vun thành luống, còn đất vườn đồi thì không cần vun luống. Độ cao của luống phụ thuộc vào địa hình của đất. Giữa hai cây cách nhau 1m, hàng cách hàng 2m. Cách làm hố và bón phân tương tự như trồng ba kích trên đất rừng.
5.3. Cách trồng cây
Dùng dao rạch bỏ phần vỏ bầu giống cây trồng ba kích, lưu ý không được làm vỡ bầu. Đặt cây giống vào giữa hố đã chuẩn bị sẵn, rồi lấp đất qua phần cổ rễ và nén chặt. Sau khi trồng, bà con cần tưới nước đẫm để tránh bầu cây mất nước và rễ cây có thể tiếp xúc với đất trong hố trồng được tốt. Cần cắm thêm các cọc quanh hố để cây ba kích leo lên.
6. Cách chăm sóc cây ba kích tím sau khi trồng
6.1. Tưới nước và xử lý cỏ dại
Cây ba kích không cần tưới nước nhiều, tuy nhiên bà con cần tưới nước định kỳ cho cây trong quá trình phát triển, đặc biệt là những ngày trời khô nắng, khi cây ra hoa kết trái và khi quả chín thì cần bổ sung lượng nước thường xuyên hơn.
Tưới nước kết hợp với làm sạch cỏ dại định kỳ 2-3 lần trong 1 năm. Bà con nên làm cỏ vào vụ xuân (tháng 1-2) và vụ thu (tháng 8-9). Ngoài ra, sau các trận mưa to cần xới phá váng để tránh tụ đọng nước gây thối rễ cây.
6.2. Cắt tỉa cành
Hai năm đầu cây sau khi trồng, mỗi năm bà con tiến hành cắt tỉa và chăm sóc 2-3 lần, từ năm thứ 3 trở đi chỉ làm 1-2 lần. Khi cắt tỉa cần chú ý điều chỉnh độ che tán và bóng mát cho cây từ 30-50%.
Ngoài ra, bà con cần thường xuyên kiểm tra và cần loại bỏ những cây mang mầm bệnh, cây kém phát triển. Đồng thời tiến hành cắt tỉa những cành cây có dấu hiệu bị vàng lá, sâu bệnh thường xuyên.
6.3. Bón phân cho cây
Năm thứ 2, bà con bón bổ sung phân cho cây với liều lượng: phân chuồng ủ hoai (3kg) hoặc phân NPK (0,3kg) vào mỗi gốc cây.
7. Thu hoạch
Bà con tuân thủ đúng kỹ thuật trồng ba kích tím, cây sinh trưởng từ 3-5 năm sẽ được thu hoạch. Cây càng để lâu thì sẽ cho sản lượng cao và chất liệu dược liệu càng tốt. Năng suất bình quân của một gốc ba kích cho từ 8-12kg củ tươi. Bà con nên thu hoạch củ ba kích vào thời gian mùa đông là tốt nhất. Khi thu hoạch bà con giữ lấy dây thân để làm hom giống. Sau đó dùng cuốc lấp kín đất vào gốc cây vừa thu hoạch để mọc thành bụi mới.
Sau khi thu hoạch, phân loại củ ba kích làm 3 loại để dễ dàng bảo quản, chế biến và xuất bán:
- Loại 1: Củ có đường kính từ 1,2cm trở lên.
- Loại 2: Củ có đường kính từ 0.8-1.1cm.
- Loại 3: Củ có đường kính nhỏ hơn 0.8cm.
Trên đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ba kích tím hiệu quả từ A đến Z. Hy vọng với những thông tin hữu ích này, bạn có thể tự tin trồng loại cây quý này và đạt được thành công.