Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà My” – Sản phẩm Quế vỏ

Ngày 13 tháng 10 năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2293/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00029 cho sản phẩm quế Trà My nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

1. Giới thiệu sản phẩm quế vỏ Trà My

Thơm lừng hương quế Trà My

Quế có tên La Tinh chung là Cinnamomum, thuộc họ Long não Lauraceae. Quế Trà My sinh trưởng, phát triển, tồn tại lâu đời trên vùng đất Trà My, được coi là giống bản địa, còn được biết đến với tên “Cao sơn ngọc quế”. Quế Trà My từ xa xưa đã được biết đến như một vị thuốc quý, nức tiếng gần xa, được nhiều người ca ngợi.

Về mặt cảm quan:

– Vỏ quế Trà My xù xì, bên ngoài màu xám nâu
– Có rất nhiều vết loang địa y và rêu màu xám xanh. Mật độ rêu và địa y càng xuống gần gốc càng dày
– Từ độ cao 1,3m đến cành có nhiều mấu mắt, bên trong có màu vàng nhạt đến vàng sậm. Để ra không khí sau một thời gian ngắn chuyển màu nâu vàng.

Về mặt chất lượng

Quế Trà My được đánh giá là loại quế có hàm lượng tinh dầu cao và chất lượng tinh dầu tốt, cụ thể:
– Quế thân có hàm lượng ẩm từ 14,05% đến 15,06%;
– Chỉ số khúc xạ của tinh dầu từ 1,6063nD25 đến 1,6144nD25;
– Tỷ trọng của tinh dầu từ 1,0477d25 đến 1,0554d25;
– Hàm lượng tinh dầu từ 8,93%, v/w đến 10,91%, v/w;
– Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu từ 89,83%, v/w đến 93,43%, v/w.
– Quế cành có hàm lượng ẩm từ 13,88% đến 14,89%;
– Chỉ số khúc xạ của tinh dầu từ 1,6005nD25 đến 1,6152nD25;
– Tỷ trọng của tinh dầu từ 1,0464d25 đến 1,0545d25;
– Hàm lượng tinh dầu từ 8,30%, v/w đến 10,26%, v/w;
– Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu từ 89,72%, v/w đến 93,66%, v/w.

2. Đặc điểm vùng trồng

Đặc thù về tự nhiên và kỹ thuật sản xuất tại khu vực địa lý của quế Trà My được người dân địa phương chú trọng.

– Nhiệt độ trung bình năm từ 23,5oC đến 25,5oC, mưa từ 2.600mm đến 3.800mm, độ ẩm từ 84% – 87%.

– Đất vùng trồng quế tập trung trên Nhóm đất xám cơ giới nhẹ, xám sỏi sạn và xám điển hình.

– Hệ thống sông, suối, thác ghềnh đồng thời với sông Nậm Nin, sông Nước Vin, Nước Xa, Nước Oa, sông Tranh tạo thành nhiều lưu vực.

– Người dân địa phương áp dụng kỹ thuật đặc biệt trong việc chọn giống, bảo quản hạt và ươm giống, trồng, thu hoạch và bảo quản sản phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *