Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Văn Yên” – Sản phẩm Quế

Ngày 07/01/2010, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 01/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00018 cho sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Văn Yên” cho sản phẩm Quế này.

1. Đặc điểm

Cây quế có tên khoa học là Cinnamomum cassia.BL, thuộc giống Cinnamomum, họ Lauraceae. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi. Cây quế đã gắn bó với người dân ở Văn Yên, đặc biệt là đồng bào người Dao ở đây từ hàng trăm năm nay.

Huyện Văn Yên hiện có khoảng gần 20.000ha quế. Sản lượng vỏ quế chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả tỉnh và là địa phương. Diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước. Cây quế là một sản vật quý của vùng đất Văn Yên.

Về mặt cảm quan

Vỏ quế Văn Yên có các nốt sần nhỏ, bên ngoài có màu xám xanh. Có các vết loang địa y màu xám sáng. Bên trong lòng vỏ quế có màu vàng nhạt đến vàng sậm.

Về mặt chất lượng

Quế Văn Yên có sự khác biệt rõ ràng so với các loại quế trồng ở vùng khác. Thông qua chỉ tiêu về chất lượng tinh dầu được biểu hiện bằng:

+ Hàm lượng ẩm thấp (14,06 – 15,74%)

+ Chỉ số khúc xạ của tinh dầu vỏ quế cao (1,6025 – 1,6048nD25)

+ Hàm lượng tinh dầu (4,38 – 6,07%,v/w)

+ Hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu (84,93 – 90,10%,v/w) cao.

2. Đặc điểm vùng trồng

Vùng trồng quế Văn Yên
Vùng trồng quế Văn Yên

Chính những điều kiện đặc thù về mặt tự nhiên và kỹ thuật canh tác quế có từ lâu đời ở nơi đây đã đem lại cho vùng đất này sản vật quý là quế Văn Yên.

+ Nhiệt độ trung bình năm từ 22,5 – 26,0OC

+ Lượng mưa trung bình năm 1.800 – 2.200mm

+ Lượng bốc hơi trung bình năm 700 – 900mm

+ Độ ẩm trung bình năm 80,5 – 86,0%

+ Quế Văn Yên được trồng trên đất có thành phần cơ giới từ thịt pha cát và sét đến thịt pha sét, đất chua đến rất chua, giá trị pHH2O dao động trong khoảng 4,2 đến 4,7.

+ Đất tại vùng trồng quế có hàm lượng cacbon hữu cơ và đạm trung bình. Lân tổng số trung bình, lân dễ tiêu dao động từ nghèo đến rất nghèo. Kali tổng số nằm trong mức nghèo đến rất nghèo, kali dễ tiêu đạt mức trung bình. Đất có tổng các cation kiềm trao đổi đạt mức thấp đến rất thấp. Dung tích hấp thu trong đất cũng đạt mức thấp. Độ no bazơ đạt thấp. Khu vực địa lý có địa hình bị chia cắt tạo thành các thung lũng với độ dốc cao trên các dãy núi và thoải dần về phía chân đồi có lượng nước ngầm lớn.

3. Quy trình canh tác

Quy trình canh tác cây quế bao gồm các công đoạn truyền thống như: lựa chọn giống, bảo quản hạt và ươm trồng, lựa chọn đất gây trồng, … . Quế  thường được trồng vào các tháng đầu xuân bằng cây con, mật độ dày trên 10.000 cây/ha ở các nương bỏ hóa hoặc mật độ thưa 1.000 – 2.000cây/ha theo hình thức Nông – Lâm kết hợp với các loại cây trồng hằng năm.

Quế Văn Yên được thu hoạch vỏ theo hai vụ là vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 8), bằng kỹ thuật dùng dao sắc khoanh vòng trên thân quế, sau đó dùng một thanh tre mỏng tách nhẹ vỏ quế ra khỏi thân để hai đầu và mép của thanh quế hạn chế dập nát khi khai thác. Vỏ quế sau khi thu hoạch được bảo quản bằng cách phơi khô tự nhiên dưới bóng râm hoặc dưới nắng nhạt, tránh nắng gắt. Ban đêm phơi sương cho quế được mềm dịu dễ uốn. Quế sau khi phơi khô được bó lại thành bó và bọc vào lá chuối khô bên ngoài hoặc cho vào gùi để nơi thoáng mát.

4. Khu vực địa lý

Bao gồm các xã Châu Quế Hạ; xã Xuân Tầm; xã Phong Dụ Hạ; xã Phong Dụ Thượng; xã Tân Hợp; xã Đại Sơn; xã Mỏ Vàng; xã Viễn Sơn thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nguồn: Cúc Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *