Bệnh ghẻ trên dê là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng gây ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của đàn dê. Bệnh lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa dê bệnh và dê khỏe.
Contents
1. Nguyên nhân và đặc điểm của bệnh
– Bệnh ghẻ là một bệnh mãn tính do ngoại ký sinh trùng gây ra. Có ba dạng bệnh khác nhau: ghẻ đầu, ghẻ chân và vùng bụng, cùng ghẻ tai, do các loài ký sinh trùng khác nhau gây ra.
– Bệnh thường xuất hiện quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa Đông xuân. Khi khí hậu ẩm ướt và điều kiện vệ sinh chuồng trại không tốt.
– Bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa dê bị bệnh và dê khỏe mạnh, hoặc từ môi trường chăn nuôi ô nhiễm. Bệnh ghẻ thường kết hợp với nấm da, làm nặng thêm tình trạng bệnh và đòi hỏi điều trị lâu dài.
– Bệnh không gây tử vong trực tiếp nhưng ảnh hưởng đến sự phát triển của dê. Tạo điều kiện cho vi khuẩn và bệnh truyền nhiễm khác phát triển. Dê bị ghẻ thường phục hồi chậm hơn và dễ tái phát bệnh sau khi điều trị so với dê không mắc bệnh này.
2. Biểu hiện khi dê bị ghẻ
Ban đầu xuất hiện các nốt sần sùi, đặc biệt là ở trên đầu, dê có biểu hiện ngứa và thường cọ sát vào thành chuồng, hàng rào hoặc thân cây.
Một số dê phát triển bệnh nặng hơn ở dạng viêm da quanh mắt và tai, trên cổ và ngực, phía trong bẹn và bầu vú.
Ngoài ra còn có thể thấy các lớp vẩy, loét trên da, thường ở tai, chân sau, bầu vú, bìu dái và khu vực xung quanh. Dê thường cúi liếm các lớp vẩy loét ở chân sau.
3. Cách phòng trị bệnh
Khi mua dê cần chọn ở những đàn dê không bị bệnh, dê khỏe mạnh, da căng, lông bóng mượt.
Chuồng trại nuôi dê phải cao ráo, thông thoáng, sàn chuồng dễ thoát phân và dễ làm vệ sinh. Hàng ngày thực hiện vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải để ủ phân sinh học. Nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong chất thải. Định kỳ phun sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng.
Khi dê bị bệnh cần tách riêng để điều trị bằng một trong các phác đồ sau:
Phác đồ 1:
– Hàng ngày bôi cồn I-ốt hoặc xanh metylen lên vùng da bị bệnh để diệt mầm bệnh và tránh nhiễm trùng kế phát.
– Xoa mỡ Ô-xít kẽm và Ketamicin lên những vùng da bị bệnh vừa điều trị ghẻ và nấm da.
– Tiêm Ivermectin dưới da cho dê (Liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc), liệu trình tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
– Tiêm thuốc giải độc gan, thận cho dê.
– Cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê.
Phác đồ 2:
– Dùng nước xà phòng để rửa bong sạch vẩy trước khi điều trị (ngoài ra có thể dùng nước lá trầu không hoặc lá xoan ta (cây sầu đông) vò nát hòa nước và xoa lên vùng da bị bệnh).
– Sử dụng huyễn dịch bột lưu huỳnh, dầu ăn và Amitraz 0,05%, điều trị 2 lần cách nhau 5-7 ngày.
– Tiêm Ivermectin dưới da cho dê (Liều lượng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc), liệu trình tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
– Tiêm thuốc giải độc gan, thận cho dê.
– Cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê.