Trong mấy năm gần đây, lợn rừng hay còn gọi là heo rừng là loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên, được con người thuần chủng và nuôi khá nhiều tại Việt Nam. Được biết đến là loài thịt sạch, với lượng mỡ thấp, chất thịt ngon và có hương vị của rừng núi. Kỹ thuật nuôi lợn rừng không khó, nhưng cần bỏ nhiều thời gian và công sức. Sau đây là một số kỹ thuật nuôi heo rừng đúng cách, hiệu quả mang lại kinh tế cao.
Kỹ thuật nuôi lợn rừng hiệu quả
1. Tổng quan về giống lợn rừng
1.1. Tình hình chăn nuôi heo rừng hiện nay
Ngày nay lợn rừng đã được nuôi phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ba Lan, Thái Lan, Canada,Indonesia, Nga, Nhật Bản… và Việt Nam. Nghề nuôi dưỡng lợn rừng đã trở nên khá phổ biến, tỏ ra có nhiều sức thuyết phục bởi chúng thực sự là nghề có giá trị kinh tế cao và có thị trường lớn.
Nghề nuôi lợn rừng càng trở nên sôi động khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Số lượng các khu rừng bị đóng cửa cấm săn bắn ngày một nhiều nên nguồn cung cấp từ việc đi săn ngày càng ít ỏi, thị trường đã chấp nhận nguồn cung cấp chủ yếu từ việc nuôi thuần dưỡng và các trang trại chuyên chăn nuôi, cung cấp thịt và giống lợn rừng ở Thái Lan, Trung Quốc, Peru, Indonesia, … đã hình thành và phát triển hưng thịnh.
Ở Việt Nam, nhiều nơi đã thành công trong chăn nuôi lợn rừng, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi và cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
1.2. Các loại giống lợn rừng
Hiện nay, lợn rừng có thể chia làm 2 loại: lợn rừng thuần chủng và lợn rừng lai.
– Giống thuần chủng: giống này đã được con người thuần hóa, có hai nhóm: nhóm heo mặt dài và nhóm heo mặt ngắn.
– Giống lai: giống này cho lai tạo để tạo ra con lai có gen trội từ bố mẹ (kết hợp lai heo rừng đực với heo nái địa phương). Ưu điểm là sức đề kháng tốt và thích nghi cao với môi trường, ít mắc phải các bệnh vặt.
Giống lợn rừng
2. Kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng người chăn nuôi nên biết
2.1. Chọn giống
Chọn heo đực giống:
Lợn đực giống cần mua về lúc chúng được khoảng 6 tháng tuổi. Và chỉ sử dụng khi chúng đạt ít nhất 7-8 tháng tuổi. Không nên sử dụng lợn đực giống non vì ảnh hưởng đến chất lượng đời sau. Khi chọn heo đực giống chúng ta cần lưu ý một số đặc điểm như sau:
– Mặt dài, lưng thẳng, đầu thanh, bụng thon đều không bị sệ.
– 4 chân đều thẳng, cao và vững chắc. Phần lông bờm dựng đứng, đồng thời chạy dài từ cổ tới lưng.
– Phần tinh hoàn lộ rõ, to và cần phải cân đối, có độ đàn hồi cao.
– Lợn đực giống cần phải mang tính hung hãn, dữ tợn.
Chọn heo nái giống:
– Chọn mua đàn lợn nái hậu bị khi chúng được 4-6 tháng tuổi. Từ đàn lợn nái hậu bị này, bà con tiến hành sàng lọc kiểm tra để chọn ra lợn nái sinh sản.
– Cần chọn những con lợn nái khỏe mạnh, không khuyết tật. 3 bộ phận quan trọng nhất cần quan tâm khi chọn lợn nái giống là : cơ quan sinh dục, khung xương và vú. Dưới đây là một số đặc điểm bà con có thể căn cứ vào để chọn lợn nái giống:
+ Phần cơ quan sinh dục: lợn nái giống cần có cơ quan sinh dục phát triển bình thường, bình thường cả về hình dáng và hoạt động.
+ Tuyến vú: Cần chọn những con có đủ số vú để nuôi đàn đông con. Bình thường lợn rừng có 5 đôi vú xếp đều đặn mỗi bên. Những con có vú cong vênh, lệch, khô sẽ không được ưu tiên chọn.
+ Khung xương: Phần khung xương và 4 chân cần phải chắc khỏe, linh hoạt và nhanh nhẹn. Không nên chọn những con có chân yếu, khung xương nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi con sau này.
2.2. Quy trình chăn nuôi heo rừng
Làm chuồng nuôi
Chọn chỗ đất cao ráo, trồng nhiều cây có bóng mát và đặc biệt nguồn nước phải sạch. Giúp cung cấp nước uống cho vật nuôi, duy trì hệ thực vật rừng và giữ được độ ẩm thích hợp. Đồng thời cần xây dựng hàng rào bao quanh chắc chắn. Và có thể vây lưới xung quanh thành những vườn nuôi tự nhiên, có móng dựng kiên cố. Đặc biệt, khu chuồng trại phải cách xa khu dân cư và ồn ào vì lợn rừng rất sợ tiếng ồn.
Nơi chăn nuôi phải luôn thoáng, sạch sẽ, có mái che, cao khoảng trên 2,5m. Và nền là đất tự nhiên, có độ dốc dao động 2-3%. Và nên thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa hắt, gió lùa vào chuồng,… Để hạn chế heo mắc các các bệnh như ho, cảm, bỏ ăn,…
Lưu ý chuồng nuôi lợn đẻ:
– Về nguyên tắc chung, chuồng nuôi lợn sinh sản cũng được quây lưới B40 như chuồng lợn hậu bị. Khác một chút là do nuôi 1 con / chuồng nên diện tích khoảng 30 – 35 mét vuông. Một lưu ý nhỏ là mắt lưới B40 hơi lớn so với lợn con, nên bà con cần phải rào nhỏ phần bên dưới hoặc sử dụng lưới có mắt nhỏ hơn.
– Phần bên trong, cần xây nhà nhỏ có diện tích 8-10 mét vuông để làm ổ đẻ cho lợn. Sử dụng rơm khô, lá khô hay cành cây vứt vào là lợn sẽ tự làm ổ đẻ. Phần ổ đẻ cần phải cao ráo hơn, tránh ẩm ướt. Và khi nhiệt độ môi trường xuống thấp nên có đèn để sưởi ấm. Nơi ở cần phải xây chắc chắn, kiên cố, có che chắn kỹ xung quanh.
Làm máng ăn uống:
– Phần máng ăn uống cần thiết kế ở phía đầu chuồng, cũng là nơi thấp nhất trong chuồng. Mục đích giúp cho việc dọn dẹp dễ dàng, máng luôn ở trạng thái sạch sẽ.
– Phần máng ăn cần có độ cao hơn khoảng 15-20cm tùy theo độ cao đàn lợn. Chiều dài của máng trong khoảng 2,0 – 2,2m, độ rộng lòng máng 20-30cm. Nếu máng cố định thì cần xây cao hơn so với mặt đất 5-7cm để tiện cho việc vệ sinh.
2.3. Cách chăm sóc hằng ngày
Đối với giống thuần chủng, chế độ ăn cho heo phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nên thường xuyên thay đổi khẩu phần hằng ngày. Khi cho heo ăn phải đúng giờ, mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều. Ngoài ra cần cung cấp đủ nguồn nước sạch. Nếu muốn chất lượng heo rừng ở mức tốt nhất thì khi phải điều chỉnh trọng lượng tăng trưởng sao cho mỗi tháng lợn chỉ tăng từ 2 – 2,5kg/con. Nếu ít hơn thì lợn sẽ bị gầy, nếu tăng nhanh thì thịt sẽ nhiều mỡ, giảm chất lượng thịt.
Thức ăn cho lợn rừng
Đặc biệt, khi heo con được một tuần tuổi cần được tiêm chích để bổ sung chất sắt. Khi đến 1 tháng tuổi thì bắt đầu cho heo con tập ăn thức ăn tinh. Nên được nấu chín để dễ hấp thụ. Đến khi được 2 tháng tuổi, heo con nên được tách khỏi mẹ và cho ở chuồng riêng.
2.4. Phòng trừ bệnh cho lợn rừng
Khi mới sinh ra lợn chưa biết ăn dễ bị ốm, tiêu chảy. Bà con có thể sử dụng bài thuốc: 5 lá búp ổi non, 1 nhúm lá khổ sâm, 1 ít lá nhọ nồi, 1 ít lá phèn đen cho vào một chén nước giã nhỏ. Thực hiện giã nát và cho lợn con uống nước.
Nếu lợn con đã biết ăn, hoặc lợn mẹ bị tiêu chảy cần cho ăn trực tiếp lá khổ sâm, lá ổi và một ít lá nhọ nồi để lợn nhanh khỏi bệnh.
Cần phải thường xuyên tẩy rửa, khử uế chuồng nuôi. Chuồng nuôi cần chia làm 2 ngăn, khi vệ sinh ta lùa heo sang ngăn còn lại. Sau khi đã vệ sinh, rửa khô ta lùa heo lại và vệ sinh nửa chuồng còn lại.
Sau mỗi lứa nuôi, cần vệ sinh sạch sẽ chuồng và để chuồng nghỉ ngơi 3-5 ngày trước khi thả lứa tiếp theo.
Một lưu ý nữa là lợn mới mua về cần phải nhốt ở khu vực riêng khoảng nửa tháng trước khi cho nhập đàn. Cùng với đó là hạn chế người và vật lạ vào khu vực nuôi, tránh làm lợn hoảng loạn và cũng ngăn đưa mầm bệnh vào trong chuồng nuôi.
2.5. Vacxin và tiêm phòng cho lợn rừng
– Sau khi tiến hành tiêm vắc xin, lợn chưa có khả năng miễn dịch ngay. Khoảng 7-21 ngày sau mới có thể miễn dịch (tùy từng loại vacxin).
– Mỗi loại vacxin chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian nhất định. Nên bà con cần định kỳ tiêm nhắc lại.
– Trước khi lợn sinh khoảng 1 tháng, thực hiện tiêm vacxin Ecoli phù đầu lần 1 để phòng chống lợn con bị đi ngoài. Nếu 25 ngày sau mà lợn chưa đẻ thì bà con tiêm nhắc lại lần 2.
– Lợn con mới sinh xong, cần cho uống lactomin (men tiêu hóa) 1 gói/đàn./.
2.6. Chi phí nuôi heo rừng
– Để đảm bảo hiệu quả nên nuôi thử nghiệm trước khi tiến hành nuôi trên mô hình rộng. Bạn chỉ cần đầu tư 2 con lợn nái và 1 con lợn đực giống. Chọn loại lợn rừng giống trọng lượng từ 8 – 15kg, hoặc trọng lượng từ 16 – 20kg. Còn heo nuôi để làm giống cũng có khối lượng giống heo lấy thịt.
– Bên cạnh đó, có thể tận dụng nguồn thức ăn xanh và sạch nên trồng sẵn để tự phục vụ như rau, củ, quả, thức ăn tinh bột. Việc này sẽ giúp giảm chi phí chăn nuôi cho bà con.
2.7. Kết quả chăn nuôi lợn rừng
Mỗi năm, hầu hết lợn nái sẽ cho đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng từ 7 – 12 con. Heo con nuôi đến 3 tháng tuổi nếu đạt trọng lượng ở mức 10 kg thì có thể đem bán giống với giá trung bình khoảng 200.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. Nếu nuôi heo thịt thì khi heo có trọng lượng đạt hơn 30 kg sẽ bắt đầu bán. Và nuôi trong 2 năm thì heo mới đạt tới trọng lượng 60 kg. Với giá bán dao động 130 – 150.000 đồng/kg hơi.
Lợn rừng được nuôi phổ biến như hiện nay bởi đặc tính “rừng”. Điều này giúp việc chăm sóc chúng dễ dàng hơn nhờ vào khả năng đề kháng và thích nghi cao. Từ khâu chuồng trại, thức ăn chăm sóc,… đều yêu cầu đơn giản hơn so với loại lợn khác. Chúc bà con qua bài biết này sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để chăn nuôi lợn rừng hiệu quả.