Cá trắm đen thuộc họ cá chép sống trong môi trường nước ngọt. Khi trưởng thành thường có kich thước và cân nặng khá lớn. Vừa ngọt và chắc thịt lại ít xương. Mang lại hiệu suất kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình chăm nuôi giống cá này. Vì vậy, phương pháp chăm sóc, ương giống cá trắm đen cũng được quan tâm và cải thiện không ngừng từ phía bà con chăm nuôi. Để hiểu rõ hơn, hãy theo dõi bài viết dưới đây.
Kỹ thuật nuôi cá trắm đen
Contents
1. Một số đặc điểm sinh học của cá trắm đen
Cá trắm đen là loài thủy sản sinh sống có tính địa phương, phân bố chủ yếu tại Hắc Long giang Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của loài cá này chính là vây có màu xám đen và nhạt dần về phía bụng.
Loài cá này đặc biệt ưa thích sống ở tầng đáy. Ít khi nổi lên mặt nước và thường sống ở những nơi có vùng nước tĩnh. Cá trắm đen là loài ăn tạp. Chủ yếu ăn động vật phù du, ấu trùng của các loài bọ và côn trùng lúc bé. Khi trưởng thành cá chuyển sang ăn giáp xác và côn trùng sinh sống trong nước. Chúng cũng có thể ăn cả các loại quả như: sung, vả… rụng xuống nước, nếu khan hiếm thức ăn.
Các trắm có kích thước và khối lượng khá lớn. Thường sẽ khoảng 4-5 kg/con.
2. Kỹ thuật nuôi cá trắm đen
2.1. Điều kiện ao nuôi
Ao nuôi nên có diện tích từ 1000 m2 trở lên. Tốt nhất từ 2000 – 3000 m2. Gần nguồn nước ra, vào; không bị ô nhiễm; thường xuyên giữ được mực nước từ 1,5 – 2m. Ao nuôi cần có cống cấp và thoát nước đặt so le, để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, thoáng đãng không bị cớm rợp.
2.2. Chuẩn bị ao nuôi
Bơm cạn nước. Dọn vệ sinh đáy ao, vét bùn đáy chỉ để lại lớp bùn 10 – 15cm. Dùng vôi vãi đều đáy ao để diệt tạp và khử trùng, lượng vôi sử dụng từ 5 – 7 kg/100m2. Phơi đáy ao 3 – 5 ngày để diệt sinh vật hại cá và thoát hết các khí độc trong nền đáy ao trước khi lấy nước vào ao. Tu sửa cống cấp, thoát nước.
Lấy nước vào ao: Nguồn nước lấy vào ao phải là nguồn nước sạch, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh. Quá trình lấy nước vào ao nên lấy từ từ 0,8m – 1m – 1,2m – 1,5m. Trước khi thả cá kiểm tra các yếu tố môi trường thích hợp mới tiến hành thả cá vào ao để nuôi.
2.3. Chọn và thả cá giống
– Chọn cá giống: Nên chọn mua cá giống ở nơi cung cấp có uy tín. Cá giống cỡ nhỏ khoảng từ 30 – 50 g/con. Cá giống cỡ lớn khoảng từ 200 – 500 g/con. Cá khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn không bị xây sát, mất nhớt, không bị dị hình, đồng đều về kích thước. Cá giống cần được luyện ép cẩn thận trước khi vận chuyển. Nên vận chuyển cá vào thời điểm mát trong ngày. Nếu thời tiết nắng nóng cần bổ sung thêm đá để hạ nhiệt độ nước khi vận chuyển.
Cá trắm đen giống
– Mật độ thả: Cá giống có kích thước từ 30 – 50g/con: 2 con/m2; từ 200 – 500g/con: 1 con/m2.
– Thời gian thả: Cá giống được thả vào sáng sớm và chiều mát. Trước khi thả cá cần tắm cá bằng dung dịch nước muối pha loãng, nồng độ từ 2 – 3% trong khoảng 5 – 10 phút.
2.4. Quản lý và chăm sóc
– Thức ăn và khẩu phần ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi. Hàng ngày, cho cá ăn 2 lần vào khoảng 8h và 16h tùy theo yếu tố thời tiết. Trong tháng nuôi thứ nhất và thứ hai cho cá ăn thức ăn có hàm lượng đạm 35 – 40%, hàng ngày cho cá ăn 3 – 5% trọng lượng thân/ngày. Từ tháng nuôi thứ 3 trở đi cá được ăn thức ăn có hàm lượng đạm là 30 – 32% protein với lượng thức ăn bằng 1 – 3% trọng lượng thân/ngày (lượng thức ăn hàng ngày được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của cá, điều kiện thời tiết trong ngày). Hàng ngày kiểm tra, quan sát diễn biến bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
– Quản lý môi trường ao nuôi: Ao nuôi được vệ sinh thường xuyên. Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý ao nuôi. Định kỳ, mỗi tháng dùng 2 lần (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tần xuất dùng tùy thuộc điều kiện cụ thể trong từng ao nuôi). Chế phẩm vi sinh vật có tác dụng di chuyển khí độc, phân giải mùn đáy ao. Hạn chế sự phát triển các vi sinh gây bệnh và giữ môi trường nuôi ổn định.
2.5. Phòng bệnh
Trong quá trình nuôi cá Trắm đen hay bị các bệnh do vi khuẩn, vi rút gây nên cần phòng bệnh cho cá bằng cách sử dụng thuốc Tiên Đắc (bột tỏi) trộn vào thức ăn với liều lượng 1g thuốc/5 kg cá/ngày cho cá ăn liên tục trong 3 – 5 ngày.
Quản lý tốt chất lượng nước, chế độ ăn, chất lượng thức ăn. Cần lưu ý khi thời tiết thay đổi cá có biểu hiện như: Giảm ăn, nổi đầu để có biện pháp xử lý kịp thời.
2.6. Thu hoạch
Khi cá đạt >3 kg/con có thể tiến hành thu tỉa dần.
Lưu ý: Đánh bắt nhẹ nhàng và giảm thiểu xây sát, không đánh bắt cá chưa đạt kích cỡ thương phẩm.
Như vậy, bài viết trên đã chia sẻ những thông tin chi tiết về kỹ thuật nuôi cá trắm đen hiệu quả. Cảm ơn vì đã theo dõi bài viết, chúc bà con áp dụng thành công và thu được lợi nhuận cao từ loại cá này.