Rau ngót là loại rau quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Rau ngót dễ trồng và dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta.
Bài viết này Agri360 sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng rau ngót đơn giản mà hiệu quả, giúp bạn có thể tự tay trồng và thu hoạch những mớ rau ngót tươi ngon cho gia đình.
Contents
1. Chuẩn bị đất trồng
– Rau ngót có khả năng sinh trưởng trên nhiều loại đất, nhưng muốn có năng suất cao, cần chọn đất thịt nhẹ, thịt trung bình, đất cát pha, không bị úng ngập nhưng không quá khô, độ pH từ 5,5- 7,0, vùng đất chủ động nước tưới. Tốt nhất là nên chọn loại đất thịt pha đất sét vừa dễ canh tác mà lại giữ ẩm tốt.
– Cày xới đất tơi xốp và bón lót phân hữu cơ hoai mục kết hợp hỗn hợp phân đạm, lân, kali để giúp cây phát triển ngay giai đoạn đầu sau khi bén rễ.
2. Chuẩn bị giống
2.1. Giống
Có 2 loại:
– Rau ngót lá to: Sinh trưởng khỏe, thân lá màu xanh đậm, phiến lá to và mỏng, phẩm chất ngon.
– Rau ngót lá nhỏ: Thân, lá có màu xanh nhạt, phiến lá nhỏ và dày, đường gân giữa cuống lá có màu xanh nhạt, ít bị sâu bệnh hại.
2.2. Phương pháp nhân giống
– Nhân giống hữu tính (từ hạt): Tỷ lệ nảy mầm của hạt thường rất thấp và thời gian bắt đầu cho thu hoạch lâu.
– Nhân giống vô tính (giâm cành): Hiện đa số nông dân áp dụng phương pháp này. Để nhân giống đạt nên chú ý những vấn đề sau:
+ Chọn cành khỏe không bị sâu bệnh hại, cành không già, không non (cành vừa hóa nâu) để làm cành giống.
+ Dùng tro trấu hoặc trấu đã được ủ hoai để làm giá thể giâm cành. Liếp giâm tùy theo kích thước vườn, thường liếp giâm có chiều rộng 1-1,2m, chiều cao mặt liếp khoảng 10cm.
+ Cắt xéo từng đoạn cành dài 20 – 25 cm đem giâm, cành đặt nghiêng so với mặt liếp khoảng 450, vùi đất sâu 2/3 đoạn cành rồi lấp đất kỹ để cây nảy nhiều chồi. Để cành mau ra rễ, trước khi giâm ta nhúng cành vào dung dịch NAA (Naphthaleneacetic acid).
3. Thời vụ
– Rau ngót có thể trồng quanh năm, tốt nhất là vào mùa mưa. Thời vụ trồng tốt nhất là vụ Xuân khoảng từ tháng 2 – 4 và vụ Thu từ tháng 8 – 9.
– Rau ngót được trồng bằng phương pháp nhân vô tính, trồng một lần và thu hoạch 2-3 năm.
4. Mật độ, khoảng cách
– Chia luống 1,3- 1,5m, mặt luống rộng 1,0- 1,2m, rãnh 0,3 m; trồng với khoảng cách cây cách cây 25- 30cm, hàng cách hàng 50- 60 cm, mỗi hố có thể trồng 2 cây.
– Chuẩn bị giống từ 9,5- 10 vạn hom/ha, cũng có thể tách thân từ cây gốc của năm trước để nhân thẳng ra ruộng.
5. Phân bón và nước tưới
5.1. Tối ưu hóa lượng phân bón cho cây
– Lượng phân bón tính cho 1.000 m2 (tùy theo nền đất có thể tăng hoặc giảm lượng phân vô cơ) như sau:
+ Phân chuồng hoai mục: 1,5 – 2 tấn (đã trộn ủ với 1-1,5 kg chế phẩm nấm Trichoderma)
+ Phân vô cơ: Urê 20- 24 kg + Super lân 40- 50 kg + Kali clorua 6- 8 kg.
– Cách bón:
Bón lót (kết hợp khi làm đất): Toàn bộ lượng phân hữu cơ hoai mục và Super lân + 3- 4 kg Kali clorua.
Bón thúc chia làm 2 lần bón:
+ Lần 1: Sau trồng 15- 20 ngày, sử dụng phân Urê 7- 8 kg. Trong thời gian này, người trồng có thể kết hợp sử dụng thêm phân bón lá NPK 30-10-10 để bổ sung vi lượng cho cây.
+ Lần 2: Sau lần 1 từ 10- 15 ngày với liều lượng còn lại. Có thể bón theo hàng hoặc bón theo hốc, bón cách gốc 15- 20cm, kết hợp làm cỏ, vun gốc cho cây.
Lưu ý: Do cây rau ngót thu hoạch liên tục kéo dài 2- 3 năm, do vậy sau mỗi đợt thu hoạch, cần bón bổ sung từ 0,5- 0,7 tấn phân chuồng hoai mục vào gốc, kết hợp tưới NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
5.2. Nước tưới và vệ sinh vườn
– Nguồn nước tưới: Sử dụng nguồn nước sạch để tưới (nước sông hoặc nước giếng khoan). Tuyệt đối không được sử dụng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước bị ô nhiễm, nước thải từ bệnh viện. Luôn giữ độ ẩm đất 80-85%.
– Thường xuyên vệ sinh vườn và làm cỏ. Khi bón phân kết hợp vun gốc và tưới giữ ẩm cho vườn cây thường xuyên.
– Khi thu hoạch cần kết hợp cắt cành tỉa tán, tạo cho cây có bộ khung cân đối, giúp vườn rau thông thoáng và hạn chế sâu bệnh hại.
– Vào tháng 11-12 hàng năm, khi thấy cây đã cao (20- 25 cm), lá hơi vàng và ít lá (thời kỳ cây ngừng sinh trưởng) ta nên thực hiện biện pháp sau:
+ Trẻ hóa cây: Nhằm giúp cây đâm nhiều chồi, tăng năng suất bằng cách đốn cây. Dùng dao hay kéo cắt sát gốc cách mặt đất 15cm, các lần cắt sau cách vết cắt cũ 7-10 cm, tỉa thưa bớt các cành già.
+ Xới rãnh sâu 10- 15cm giữa 2 hàng, bón bổ sung lượng phân như sau (tính cho 1.000 m2): 0,7- 1 tấn phân chuồng hoai mục + 7- 8 kg Urê + 10- 15 kg Super lân + 5- 7 kg Kali clorua, trộn đều, lấp đất lại và tưới đủ ẩm để cây bung các đợt chồi mới, vườn rau được trẻ hoá, sung sức hơn.
8. Thu hoạch
– 45- 60 ngày sau trồng có thể tiến hành thu hoạch đợt đầu tiên. Các đợt tiếp theo cách nhau 25- 35 ngày.
– Thu hoạch rau ngót bằng cách lấy kéo hoặc dao cắt cành hoặc hái lá. Sản phẩm sau thu hoạch phải được đựng trong bao bì chuyên dụng.
Trên đây là kỹ thuật trồng rau ngót đơn giản mà hiệu quả. Hy vọng với những thông tin hữu ích này, bạn có thể tự tin trồng loại rau bổ dưỡng này tại nhà.