Kỹ thuật ương cá chim trắng giống nước ngọt nhanh lớn

Cá chim trắng nước ngọt có tên khoa học là: Colossoma brachypomum, thuộc họ cá Chép, nguồn gốc ở sông Amazon Nam Mỹ, được du nhập vào Trung Quốc năm 1985 và đến năm 1988 loài cá này đã được nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công. Ở Việt Nam loài cá này được nuôi từ cuối năm 1999. Cá chim trắng thuộc loại ăn tạp, dễ sinh trưởng. Vì thế, kỹ thuật ương cá chim trắng giống nước ngọt cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao; chỉ cần nắm được các bước kỹ thuật cơ bản là có thể thực hiện. Hãy cùng Agri360 tìm hiểu phương pháp ương cá chim trắng giống lớn nhanh được nhiều bà con áp dụng hiện nay.

1. Đặc điểm sinh thái của các chim trắng nước ngọt

Hình dạng cá gần giống với cá Chim biển: Thân đẹp và cao, đầu nhỏ, chiều dài thân gấp 2 lần chiều cao thân, mình cá màu xám bạc hoặc màu ánh bạc hơi xanh. Các vây ngực, vây bụng, vây hậu môn màu đỏ. Chúng ở tầng giữa và dưới, sống và bơi thành đàn.

Cá chim trắng

Cá chim trắng nước ngọt

Việc nuôi cá chim trắng nước ngọt trong ao rất dễ đánh bắt, ngay mẻ lưới đầu có thể đánh bắt tới 90% số lượng cá trong ao. Cá chim trắng nước ngọt thuộc loại cá nhiệt đới, có nguồn gốc ở lưu vực sông Amzon thuộc Nam Mỹ.

Cá chim trắng nước ngọt ăn tạp, phổ thức ăn rộng, gồm nhiều loại rau trên cạn và dưới nước, các vỏ hoa quả, hạt ngũ cốc, mùn bã hữu cơ… Thức ăn động vật gồm: Nhộng tằm, tôm cá nhỏ, ốc, hến, thịt phế phẩm… Nuôi trong ao, cho ăn đủ cá lớn nhanh, giá trị thương phẩm cao hơn các loại cá nuôi truyền thống hiện nay.

2. Kỹ thuật ương từ cá hương lên cá giống

2.1. Công tác chuẩn bị ao:

Chọn ao:

– Ao ương nên chọn gần kênh cấp, thoát nước để tiện việc cấp thoát nước. Không trồng cây lớn xung quanh bờ ao. Cây lớn sẽ che bớt ánh sáng mặt trời, và lá cây rụng xuống làm ô nhiễm môi trường. Cách xa khu vực nước thải công nghiệp; khu dân cư.

– Diện tích ao ương tùy điều kiện của địa phương và nông hộ. Nhưng phù hợp nhất là ao có diện tích từ 1000 – 2000m2, độ sâu 1,2 – 1,5 m, hình chữ nhật.

Cải tạo ao:

– Tát cạn nước, vét bùn đáy ao, đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao.

– Dùng vôi bột rải đều đáy ao và bờ ao với liều lượng từ 7 – 10 kg/100m2 ao tùy theo điều kiện của ao.

– Phơi đáy ao 2 – 3 ngày

– Cấp nước vào ao và gây màu nước: Nước cấp vào ao trước khi thả bột một ngày, phải lọc qua túi vải mịn để tránh trứng cá tạp, giáp xác. Với diện tích ao 1.000m2 bón 3kg bột cá mịn 60% đạm và 3 kg bột đậu nành để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá trong giai đoạn cá bột.

2.2. Thả cá giống:

– Chọn mua cá bột từ những trại có công bố chất lượng, để nâng cao hiệu quả của quá trình ương nuôi.

– Thời gian thả cá bột vào ao nuôi tốt nhất vào sáng sớm hoặc chiều mát.

– Mật độ thả thích hợp là: 200 – 300 con/1m2

– Mực nước ao ương ngày đầu 0,8 – 1,0 m, sau đó cho thêm nước vào ao để đến ngày thứ 15 mực nước trong ao đạt 1,2 – 1,5m.

2.3. Chăm sóc và quản lý ao ương:

a) Cho cá ăn:

– Tuần đầu tiên: Cho cá ăn thức ăn hỗn hợp gồm bột cá nhạt + bột đậu nành. Với lượng như sau: 250g Bột cá + 250g Bột đậu/ 1lần/ 1 triệu cá bột. Cho cá ăn 4 – 5 lần/ ngày. Thức ăn có thể nấu chín hòa nước tạt đều khắp mặt ao.

– Tuần thứ 2: Cho cá ăn thức ăn công nghiệp đậm đặc dạng bột, có độ đạm 40%. Với liều lượng 0,5kg/ 1lần, ngày cho cá ăn 4 – 5 lần. Ngày sau cho lượng thức ăn tăng thêm 20% so với ngày trước. Thức ăn được hòa tan vào nước rồi tạt khắp mặt ao.

– Tuần thứ 3-4: Cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp có kích thước vừa cỡ miệng cá, độ đạm 35 – 40%. Ngày cho cá ăn 3 – 4 lần. Điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

b) Bón phân:

Sau khi ương cá 5 – 7 ngày thì có thể bón phân để tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Lượng phân bón 7 – 10 ngày 1 lần 30 – 50kg phân chuồng; 30 – 50kg phân xanh/1.000m2 ao tùy theo màu nước.

c) Tiến hành kiểm tra và phòng ngừa bệnh cho cá:

– Hàng ngày thường xuyên quan sát, kiểm tra ao để kịp thời xử lý các hiện tượng bất thường như bờ ao bị rò rỉ, sạt lở. Không để địch hại như rắn, ếch, lươn, cá tạp, cá dữ, bọ gạo xâm nhập.

– Định kỳ phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao bằng vôi bột hòa nước tạt đều khắp mặt ao với lượng 2 – 3 kg/100m2 ao.

– Khi cho cá ăn cần áp dụng phương pháp 4 định (lượng; chất; vị trí; thời gian) để hạn chế thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường.

– Cá hương sau 20 ngày tuổi phải tiến hành luyện dẻo. Sau 30 ngày có thể lọc cá san thưa ra để nuôi lên cá giống, hoặc xuất bán bớt, đảm bảo mật độ 100 – 150 con/1m2.

2.4. Thu hoạch:

– Khi cá đạt cỡ 6 – 8cm thu hoạch để nuôi cá thịt. Ngừng cho cá ăn trước một ngày.

Địa chỉ trại Bán Cá chim giống tại Hà Nội

Thu hoạch cá chim trắng giống

– Thu hoạch vào sáng sớm. Dùng lưới kéo 2/3 lượng cá trong ao. Sau đó rút bớt nước thu toàn bộ.

Trên đây là những thông tin hữu ích về kỹ thuật ương giống cá chim trắng nhanh lớn, hiệu quả. Hy vọng sẽ giúp ích được cho mọi người. Chúc mọi người thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *