Nước là tài nguyên quý giá và ngày càng trở nên khan hiếm trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp ngày càng cao, dẫn đến áp lực lớn lên nguồn nước. Do đó, việc áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm là vô cùng cần thiết để đảm bảo sử dụng nước hiệu quả và bền vững. Các mô hình này sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới tự động… để cung cấp nước cho cây trồng một cách chính xác và hiệu quả.
Với địa hình, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp cho việc phát triển các loại cây trồng ăn quả, trong đó có cây bưởi đang là hướng đi mới, giúp nhiều hộ dân ở TX Đông Triều tăng thu nhập. Tuy nhiên, đối với cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng với diện tích trồng lớn, việc tưới tiêu và chăm sóc mất rất nhiều thời gian và công sức, làm giảm hiệu quả kinh tế.
Contents
1. Áp dụng mô hình tưới thông minh, tiết kiệm
Vào năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Đào (xã Việt Dân, TX Đông Triều) được sự tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Sở KH&CN, bắt đầu áp dụng mô hình tưới văng điều khiển bằng điện thoại thông minh trên 3.400m2 trồng bưởi của gia đình. Với mô hình này, hệ thống sẽ sử dụng một sim điện thoại có tích hợp với bảng điều khiển máy bơm tại vườn, kích hoạt vận hành qua cuộc gọi.
Bà Đào cho biết: Mô hình tưới thông minh này rất tiện lợi, hữu ích, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể vận hành tưới tiêu trên diện tích cây trồng lớn, giúp cho việc tưới nước, chăm sóc cây thuận tiện, rút ngắn thời gian, công sức và tiết kiệm nước so với tưới thủ công trước đây.
Hay như Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, năm 2017 đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng rau thủy canh và dưa lưới trong nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao. Công ty dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal. Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
2. Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tỏng nông nghiệp hiện đại
Thời gian qua việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được Quảng Ninh đẩy mạnh, trong đó có việc đưa vào áp dụng nhiều mô hình tưới tiêu tiết kiệm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường. Tỉnh đã quy hoạch được 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với áp dụng tưới tiêu tiết kiệm là Khu nông nghiệp công nghệ cao của VinEco tại TX Đông Triều và khu vực trồng rau sạch chuyên canh tại TX Quảng Yên.
Nhiều doanh nghiệp, hộ dân, HTX cũng lựa chọn mô hình tưới tiêu tiết kiệm cho diện tích rau mầu, cây ăn quả. Tiêu biểu như: Công ty CP Đầu tư XD&TM 188, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, HTX Việt Dân, HTX Bình Khê (TX Đông Triều); HTX Nông dược xanh tinh hoa, các hộ dân trồng ổi, cam, bưởi thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương (TP Hạ Long); một số hộ dân trồng thanh long ruột đỏ ở TP Uông Bí; HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất nông lâm thủy sản Đầm Hà…
Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 440ha cây trồng cạn đang áp dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm; mức độ tham gia của các hộ dân, HTX, doanh nghiệp ngày càng tăng.
3. Hiệu quả kép của mô hình tưới thông minh, tiết kiệm
Anh Nguyễn Hữu Nhượng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, cho biết: Ứng dụng KHKT vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện mỗi ha dưa cho năng suất khoảng 60-70 tấn/năm, doanh thu từ 3-3,5 tỷ đồng/ha.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, áp dụng mô hình tưới thông minh, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất cây trồng từ 10-12%; giảm chi phí công lao động lên đến 70%; tiết kiệm từ 35-45% lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống; đồng thời, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình biến đổi khí hậu và dự báo lượng nước ngày càng sụt giảm, việc áp dụng công nghệ tiên tiến; mô hình tưới thông minh, tiết kiệm; giúp giảm lượng nước và công lao động cho người nông dân. Đồng thời, chủ động được nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng mạnh mô hình này.