1. Cơ hội mở rộng thị trưởng xuất khẩu
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, đến thời điểm hiện nay nhu cầu nhập khẩu hàng của các nước cho mùa lễ hội đã xong và họ phải giải phóng hàng tồn mới bắt đầu đặt hàng tiếp. Vì thế, thời gian này nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản đang chờ đợi và chuẩn bị dòng tiền cho chu kỳ kinh doanh mới.
Bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc Khối kinh doanh CTCP Vĩnh Hoàn cho hay, từ tháng 11/2023, EU đã thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%. Cùng với đó, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. “Đây sẽ là cơ hội cho cá tra Việt Nam. Vì thế thời gian này là thời gian các doanh nghiệp cần tập trung nhiều cho đầu tư vùng nguyên liệu và thu mua chế biến các mặt hàng chủ lực”, bà Thư nói.
2. Như cầu tín dụng tăng cao
Ở góc độ nhu cầu tín dụng, theo đại diện một doanh nghiệp thủy sản tại Tiền Giang, thị trường EU nhiều khả năng phải đến tháng 6 hoặc tháng 7/2024 sức mua ở thị trường xuất khẩu thuỷ sản chính của Việt Nam sẽ khởi sắc. Do đó, thời điểm này doanh nghiệp cần vốn xoay vòng để thu mua nguyên liệu các đơn hàng sau Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, trong năm nay, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp từ nước ngoài đến hợp tác gia công các mặt hàng thủy sản tại Việt Nam do tác động từ việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản. Vì thế, hoạt động đầu tư vùng nuôi, cạnh tranh thu mua nguyên liệu có thể sôi động hơn, đồng nghĩa với nhu cầu vốn vay đầu tư trung dài hạn tăng lên.
Đại diện Vasep cho biết, thời gian qua việc duy trì hạn mức tín dụng và gia hạn các khoản nợ cũ của các ngân hàng đã giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi được dòng tiền kinh doanh. “Trong quý cuối năm 2023, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Từ đó nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý”, ông Trương Đình Hòe nhận định.
3. Hỗ trợ từ hệ thống Ngân hàng
Theo ghi nhận tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ đầu năm nay, hệ thống NHTM đã khá tích cực trong việc kết nối tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản. Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, đơn vị đã liên tục chỉ đạo hệ thống TCTD trên địa bàn không giảm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản. “Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay thủy sản tại Đồng Tháp đạt trên 13.300 tỷ đồng. Riêng ngành cá tra các doanh nghiệp đã được giải ngân cho vay hơn 7.500 tỷ đồng”, ông Phong thông tin.
Tương tự, tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang tổng mức dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản năm 2023 vừa qua đều ở mức khá cao. Cụ thể, tại Cà Mau các ngân hàng đã giải ngân cho vay khoảng 29.296 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp tôm, cá tra. Trong khi đó, các TCTD tại Kiên Giang, An Giang lần lượt cho vay khoảng 14.588 tỷ đồng và 13.543 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp lĩnh vực này.
NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM ngay từ đầu năm và hiện nguồn vốn tín dụng cả ngắn hạn và trung, dài hạn trong các ngân hàng đều rất dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp và tham gia tài trợ cho các chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản.