Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh ước đạt gần 177.000 tấn, tăng 4,6% so với năm 2022, tăng trên 4% so với kế hoạch.
Contents
1. Khởi đầu tích cực của ngành thủy sản ở Quảng Ninh
Nuôi trồng và chế biến thủy sản đóng góp rất lớn cho phát triển ngành nông nghiệp. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa quan trọng, giảm thiểu được thiệt hại cho người nuôi, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT Quảng Ninh), trong năm 2023 công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản được 13/13 địa phương trong tỉnh triển khai bài bản, bám sát theo kế hoạch của tỉnh. Chuyển biến rõ nhất là việc bố trí nhân lực, kinh phí cho hoạt động giám sát dịch bệnh chủ động và dự trữ hóa chất trong phòng chống dịch bệnh.
2. Sự phối hợp chặt chẽ trong phòng chống dịch bệnh
Đồng thời giữa các ngành, địa phương cơ sở có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn trong phản ánh kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trong khu vực, giúp người dân chủ động trong công tác phòng chống dịch, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người dân.
Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích thủy sản bị nhiễm bệnh với tôm nuôi là 109,85ha, chiếm 1,4% tổng diện tích tôm nuôi, chỉ bằng 72,77% so với năm 2022, đảm bảo giới hạn mục tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra là dưới 5%.
Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, cho biết: Để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, công tác quan trắc môi trường luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) tổ chức 11 chuyến kiểm tra và thu mẫu phân tích tại 9 địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều.
Đã có tổng số 4.840 mẫu quan trắc được thực hiện, phân tích sâu các yếu tố, chỉ tiêu (nhiệt độ, độ mặn, pH, thực vật, phù du, tảo…) phục vụ nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh là tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt.
Kết quả quan trắc là căn cứ để Chi cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lý, có biện pháp kịp thời khi có chỉ số vượt ngưỡng cần điều chỉnh… Người nuôi trồng thủy sản cũng chủ động hơn trong phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
“Chi cục tăng cường xuống địa bàn để nắm bắt, hỗ trợ các hộ nuôi trong quá trình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các nơi có đầm nuôi thủy sản cũng tăng cường trách nhiệm, cùng với người dân để giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện các ổ dịch mới, khẩn trương quyết liệt khoanh vùng, khống chế ngay các ổ dịch”, ông Vương Văn Oanh cho hay.
3. Chiến lược phát triển thủy sản bền vững tại Quảng Ninh
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: Để phát triển nghề thủy sản bền vững, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải chủ động giám sát dịch bệnh ở các cơ sở nuôi, giám sát chặt chẽ thời tiết, khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo các cơ sở nuôi.
Khi phát sinh dịch bệnh, địa phương phải nắm lại toàn bộ thiệt hại, trong đó phải phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề xuất giải pháp phù hợp.
Ông Ký đặc biệt lưu ý với các địa phương cần phải quan tâm đến công tác cán bộ, bố trí cán bộ có kinh nghiệm về thủy sản về công tác tại những xã là vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Đồng thời tăng cường công tác quan trắc, giám sát ngoài, giám sát trong nguồn nước đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn.
Nhờ định hướng phù hợp và các giải pháp rõ trọng tâm, trọng điểm, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh ước đạt gần 177.000 tấn (nuôi trồng trên 103.000 tấn, khai thác trên 73.000 tấn), tăng 4,65% so với năm 2022, tăng 4,12% so với kế hoạch.
Nguồn: nongnghiep.vn