Đẩy mạnh tài trợ nông nghiệp: Từ chính sách đến thực tiễn

Với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và sự đổi mới, chuyên nghiệp hóa trong các mô hình chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, việc tài trợ vốn tín dụng cho các vùng nguyên liệu nông sản ngày càng thuận lợi và ít rủi ro hơn.

Liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP (về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) đến nay, hoạt động phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được các địa phương thúc đẩy khá mạnh.

Thống kê đến cuối năm 2023, cả nước đã có gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp. Trong các năm từ 2018-2023, ngân sách trung ương đã phân bổ khoảng 767 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương xây dựng và vận hành gần 1.000 dự án, kế hoạch liên kết phát triển vùng nguyên liệu nông sản.

Cơ hội mở rộng tín dụng cho chuỗi liên kết nông sản
Ảnh minh họa

Cơ hội mở rộng tín dụng trong nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, mặc dù các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hiện nay chưa được chuẩn hóa thống nhất và phát triển mang tính tự phát cao, nhưng với sự tham gia của ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng các mô hình liên kết khép kín chuyên nghiệp đang tăng lên khá nhanh.

Phổ biến trong các chuỗi liên kết dọc ở các ngành hàng chủ lực như: lúa gạo, thủy sản (tôm, cá tra), rau quả là các “liên kết 4 nhà” khá chặt chẽ, được tổ chức bài bản từ sản xuất, cung ứng cây, con giống đến hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra và hỗ trợ quản lý kỹ thuật sản xuất cũng như bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời, hiện các chuỗi liên kết của tập đoàn này được tổ chức chặt chẽ theo hướng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận. Nông dân, hợp tác xã tham gia các liên kết được ký hợp đồng kinh tế, được doanh nghiệp hỗ trợ kết nối với ngân hàng để vay vốn đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

“Phía ngân hàng quản lý được dòng tiền của cả doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi liên kết nên thuận lợi trong việc cho vay. Trong khi doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu cũng sẽ đảm bảo được vòng quay dòng tiền”, ông Nhiên nói.

Tương tự, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, việc tham gia tích cực của các tập đoàn lớn đang tạo điều kiện phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và số hóa đồng ruộng. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cả chục triệu USD cho các phần mềm quản lý dịch bệnh, quản lý tài chính theo chuỗi giá trị, có ghi chép, so sánh đối soát chi tiết. Vì thế, hiện việc tính toán các rủi ro, áp dụng các biện pháp đo lường, phòng ngừa là khá dễ dàng. Điều này cũng thuận lợi để các TCTD mạnh tay tham gia tài trợ vốn.

Tín dụng thúc đẩy vùng nguyên liệu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trương đầu tư các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực gắn với phát triển bền vững hiện nay đang được ngành này thúc đẩy đầu tư khá mạnh. Trên quy mô cả nước, hiện Đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025 đã được 13 địa phương triển khai kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư hợp tác để phát triển. Nhu cầu vốn tín dụng để các địa phương hình thành các mô hình chuỗi liên kết vùng nguyên liệu trong các năm 2024-2025 ước khoảng 552,3 tỷ đồng.

“Hiện nay, hệ thống Agribank và Công ty bảo hiểm ABIC đã cam kết sẽ triển khai tài trợ vốn và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp cho các vùng nguyên liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích tất cả các TCTD tham gia hợp tác với các địa phương để hoàn thành đề án này”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói.

Ở góc độ địa phương, theo ghi nhận tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, các chi nhánh Agribank đang chuẩn bị triển khai cho vay phát triển vùng nguyên liệu thông qua các gói tín dụng bảo lãnh, bao gồm: cho vay sỉ thông qua hợp tác xã, cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên (ngân hàng – doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản – hợp tác xã) và cho hợp tác xã vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của hợp tác xã.

Đại diện Hiệp hội Tôm tỉnh Cà Mau cho hay, hiện địa phương này đã xây dựng được khoảng 20 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi tôm. Các liên kết của các công ty như: Tập đoàn Minh Phú, Năm Căn, Camimex, Tài Kim Anh… đều đã được các TCTD tham gia tài trợ vốn và phát triển các dịch vụ hỗ trợ thanh toán, giải ngân khoản vay.

Hợp tác và hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng khác

Ngoài Agribank, hiện nay một số ngân hàng khác như NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB… cũng đã triển khai các chương trình tín dụng hướng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Chẳng hạn, NamABank đang cho vay các chuỗi ngành hàng thủy sản với lãi suất 3%/năm (đối với USD) và từ 8%/năm (đối với VND). SHB, HDBank tài trợ vốn cho cho các dự án sản xuất, chế biến lúa gạo có liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh.

Theo nhận định của đại diện các NHTM, khả năng tăng trưởng tín dụng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản trong các năm tới là khá lớn. Bởi hiện nay, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp và sẵn sàng đầu tư các vùng nguyên liệu lớn được tổ chức bài bản. Trong khi đó, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại cũng có xu hướng số hóa, tái cơ cấu tổ chức và minh bạch hơn về tài chính, phương án kinh doanh, tạo điều kiện cho các ngân hàng dễ dàng thẩm định tham gia tài trợ vốn vay và triển khai các dịch vụ tài chính, thanh toán đi kèm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *