Bầu hồ lô không chỉ cung cấp loại thực phẩm xanh cho gia đình mà còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy nhờ hình dáng đặc biệt của nó. Chắc hẳn trong các bạn ai cũng đã từng bị ấn tượng bởi quả bầu hình hồ lô. Còn gì thích thú hơn khi chính bạn có thể trồng 1 giàn hồ lô trĩu quả mang lại sự thịnh vượng cho gia đình đúng không nào? Trồng bầu hồ lô siêu dễ, hãy cùng Agri360 tìm hiểu kĩ hơn về loài cây này cũng như cách trồng bầu hồ lô đẹp mắt.
Contents
1. Đôi nét về giống bầu hồ lô
Bầu hồ lô hay còn được gọi là bầu chai, bầu eo, có tên khoa học Lagenari vugaris và có nguồn gốc từ châu Phi nhiệt đới. Được trồng với mục đích là lấy quả. Bầu được trồng rộng rãi ở Châu Á trong đó có cả Việt Nam. Đây là giống cây dây leo, thân thảo có chiều dài lên đến 5m, mọc leo, có tua cuốn. Lá mọc so le, cuống dài từ 2,5 đến 12,5 cm, phiến lá to hình trứng. Hoa đơn tính, mọc đơn độc ở nách lá.
Quả bầu hồ lô mọng, lúc còn non sẽ có màu trắng hơi xanh đến lúc già sẽ có màu xanh đậm, đôi khi sẽ có đốm trắng. Khi già quả có màu nâu, vỏ cứng, bền, thịt bên trong màu trắng, nhiều hạt. Hạt dẹp, thuôn dài đôi khi có hình thoi, hạt lúc non là màu trắng khi già sẽ có màu hơi nâu.
2. Hướng dẫn chi tiết cách trồng và chăm sóc bầu hồ lô sai trái
2.1. Kỹ thuật trồng
2.1.1. Thời điểm trồng
Bầu hồ lô ưa thích khí hậu nhiệt đới, đặc biệt phù hợp với Việt Nam. Nhiệt độ trung bình tốt nhất cho sự phát triển của bầu hồ lô là từ 19 – 27ºC. Sự phát triển giảm sút đáng kể khi nhiệt độ giảm xuống dưới 15 °C hoặc trên 35 °C. Nó cũng không chịu được sương giá.
Bầu hồ lô ưa thích độ ẩm. Khi đất quá khô hoặc hạn hán có thể dẫn đến hiện tượng rụng hoa và quả. Mặc dù nó cũng có thể trồng nhiều thời điểm khác nhau trong năm như đậu bắp, nhưng do những đặc điểm trên mà nó nên được gieo trồng vào đầu hè, quả thường được thu hái vào mùa thu để đạt năng suất cao nhất.
2.1.2. Chuẩn bị đất và tạo giàn
Bầu hồ lô ưa đất thoát nước tốt, ẩm, giàu hữu cơ. Bạn nên trộn đất với một phân hữu cơ để giúp cây phát triển tốt hơn. Bầu cũng cần nhiều độ ẩm trong mùa sinh trưởng và một vị trí ấm áp, nhiều nắng, tránh gió. Bầu hồ lô cũng có thể trồng ở chậu hoặc xốp. Do bản chất rễ không ăn sâu nên chậu xốp không cần quá to. Kích thước chậu từ 30-40 cm là có thể trồng bầu tốt. Bạn cũng có thể tận dụng sân trước nhà để cho bầu leo vừa tiết kiệm diện tích vừa tạo bóng mát cho nhà.
Nếu trồng tại sân thượng, bạn nên cắm các cọc cho bầu leo. Giá đỡ có thể là các cây gỗ, hoặc cột sắt, bê tông được cột thêm dây sắt ngang. Bầu có thể đạt chiều dài tới 9m nên các cột cần được buộc chắc chắn để tránh gió làm đổ gây hỏng cây.
2.1.3. Chuẩn bị giống và gieo trồng
Chọn hạt giống
Bầu hồ lô phần lớn được trồng từ hạt. Lựa chọn hạt giống bầu hồ lô là yếu tố quan trọng vì thế bạn nên lựa chọn những giống không bị hỏng, lép và sạch bệnh. Hiện nay, có 2 loại giống phổ biến là giống ngắn ngày cho thu hoạch sau 42 ngày và giống thu hoạch sau 50 – 55 ngày.
Gieo trồng:
Hạt giống đều được làm khá khô do đó bạn nên ngâm nước ấm khoảng 30-40ºC sau đó ủ khoảng 1 ngày như một động thái kích thích. Việc này sẽ giúp bầu nảy mầm tốt và đều hơn. Tuy nhiên không ủ quá lâu để hạt ra rễ khi trồng sẽ dễ bị đứt rễ.
Chuẩn bị đất trồng đã trộn phân trùn quế và đổ đầy chậu. Tiến hành gieo hạt giống lên, sau đó phủ lớp đất khoảng 2 cm. Dùng bình xịt tưới nước cho ẩm đất. Sau khoảng 15 ngày mầm sẽ bắt đầu mọc và phát triển thành cây con. Đến khi cây được 2 – 3 lá thì mang cây ra trồng ở những vị trí mà bạn muốn. Nên trồng với khoảng cách giữa các cây là 20cm. Khi cây đạt chiều cao khoảng 20 – 30 cm thì đem cây ra trồng và cho leo giàn với khoảng cách như trên.
2.2. Hướng dẫn cách chăm sóc bầu hồ lô sau khi trồng
2.2.1. Giai đoạn phát triển
Trong khoảng thời gian cây leo giàn là giai đoạn cây phát triển nhanh chóng với nhiều nhánh và tua cuốn. Để cây ra nhiều và cho năng suất tốt hơn thì lúc cây được khoảng 1m bạn có thể bấm ngọn để cây ra nhiều ngọn mới hơn. Trong giai đoạn này nếu phát hiện cây nào có dấu hiệu kém phát triển hoặc bị sâu thì nên loại bỏ. Chỉ nên để từ 1 – 2 cây cho mỗi gốc.
Bạn cần định hướng buộc cây leo theo ý muốn để tránh trường hợp cây không leo giàn. Thường xuyên tưới nước cho cây vì cây rất nhạy cảm với tình trạng thiếu nước. Nếu thiếu nước cây có thể kém phát triển, héo và chết đi.
2.2.2. Giai đoạn ra hoa và đậu quả
Trong giai đoạn này bầu hồ lô sẽ tăng trưởng chậm. Hoa đực sẽ xuất hiện từ 8 – 18 tuần sau khi trồng, hoa cái chậm hơn hoa đực sau 2 – 4 tuần. Thời kỳ ra hoa của cây sẽ kéo dài 3 – 12 tuần tùy thuộc vào giống cây trồng và điều kiện môi trường.
Hoa sẽ nở vào buổi tối và tàn sau khoảng 8 – 20 giờ. Bầu có thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ ong, côn trồng. Để tăng tỉ lệ đậu quả cho bầu hồ lô bạn có thể hỗ trợ thụ phấn nhân tạo giúp cây.
Trong giai đoạn này cần giảm lượng nước để cây phát triển. Tuy nhiên, không được để bầu hồ lô quá khô. Giàn trồng bầu cũng nên làm thông thoáng. Đối với những quả nhỏ, có dấu hiệu kém phát triển nên tỉa bớt.
Dọn sạch cỏ dại để tránh cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây. Có thể nhổ bỏ, cày xới hoặc phun thuốc diệt cỏ.
2.2.3. Một số lưu ý khi chăm sóc bầu
Chế độ phân bón
Bầu hồ lô ưa thích dinh dưỡng vì thế bạn cần bón nhiều phân chuồng và phân hữu cơ cho cây. Ngoài ra, bạn có thể bón thêm phân hóa học cho cây như NPK 10 – 10 – 20. Sử dụng các loại phân bón qua lá để cây phát triển và cho nhiều quả hơn như HVP 401N hoặc Boom Flower N, BS15 Nuti, VD7 BLUM,… Nên dừng bón phân trước ngày thu hoạch ít nhất từ 7 đến 10 ngày.
Các loại sâu bệnh hại bầu hồ lô
Một số bệnh thường gặp ở bầu hồ lô phải kể đến như bệnh thán thư, bệnh phấn trắng. Nếu cây gặp phải bệnh này bạn có thể sử dụng Venri, Trium để phòng trừ bệnh. Ngoài ra, bầu hồ lô có thể bị một số loại sâu ăn lá, bọ cánh cứng tấn công làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Lúc này bạn có thể sử dụng Leven để phun phòng và tiêu diệt bệnh.
2.3. Thu hoạch bầu hồ lô
Sau khi thực hiện đúng cách trồng bầu hồ lô bạn có thể tiến hành thu hoạch khi bầu ra quả được 15 ngày, lúc này quả vẫn còn lông tơ và gõ nhẹ phát ra âm thanh trầm đục. Lúc này bạn có thể hái xuống để bán hoặc nấu thành những món ăn ngon cho gia đình. Bên cạnh đó, bầu hồ lô cũng được dùng để trang trí, nên chọn trái già, cắt cuống và lấy ruột đem phơi khô sau đó trang trí theo sở thích.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về cách trồng bầu hồ lô mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Mong rằng với những thông tin này bạn có thể trồng được bầu hồ lô tại nhà. Hãy để Agri360 là người bạn đồng hành mang lại những kiến thức bổ ích về cách trồng cây rau nhé!