Cách trồng gừng cho nhiều củ
Trong văn hóa ẩm thực Việt, gừng là một loại cây gia vị cực kỳ phổ biến. Không chỉ mang đến hương vị cay nồng, đậm vị cho món ăn, gừng còn chứa nhiều dưỡng chất tốt và có tác dụng chữa bệnh. Tự trồng gừng tại nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn và cũng tiện lợi hơn mỗi khi cần dùng đến. Sau đây, hãy cùng Agri360 tìm hiểu cách trồng gừng tại nhà đơn giản cho nhiều củ ăn mãi không hết bạn nhé!
Contents
I. Đặc điểm của gừng và thời vụ trồng cây gừng
1. Đặc điểm của gừng
Gừng (Zingiberaceae), là thực vật thân thảo có thời gian sinh trưởng lâu năm với những chiếc thân rễ bò ngang. Đặc trưng chung của gừng là thực vật tự dưỡng hay biểu sinh. Thân và rễ lớn, thường phân nhánh. Các chất dự trữ tập trung nhiều ở đây.
Lá của gừng có dạng bẹ dài ôm lấy nhau trở thành thân giả. Cuống ngắn và phiến lớn, ở điểm giữa cuống lá và bẹ lá có phần phụ gọi là lưỡi bẹ. Thân giả này thường có mùi thơm.
Gừng có cụm hoa mọc trên ngọn thân có lá, tách biệt với thân có lá, hoặc từ giữa các bẹ lá. Cụm hoa thường có dạng chùy, chùm hay bông.
2. Thời vụ trồng cây gừng
Phụ thuộc vào khí hậu ở từng vùng địa phương. Ở miền Bắc gừng thường được trồng vào vụ xuân. Còn miền Nam trồng gừng vào đầu mùa mưa. Thời gian sinh trưởng của gừng khoảng từ 8-10 tháng.
II. Hướng dẫn chi tiết cách trồng gừng tại nhà đạt hiệu quả
1. Chuẩn bị nguyên liệu
Các nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm: giống gừng nên dùng gừng trâu già hoặc gừng sẻ, đất sạch, chậu trồng,..
Vật dụng cần có
Gừng giống:
Bạn nên chọn những loại gừng có củ nhỏ như gừng sẻ, gừng dé, như vậy gừng sẽ cay và thơm hơn. Cây sau khi lớn cũng không quá cao, hạn chế gãy lá. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn những củ thân dày, trơn nhẵn, vỏ nguyên vẹn, không bị khô héo và bỏ đi phần gốc của gừng giống.
Chọn chậu hoặc túi ươm cây:
Có thể sử dụng chậu sành hoặc chậu nhựa đều được. Chiều rộng chậu nên chọn khoảng 30 đến 35cm. Chiều cao từ 35 đến 40cm. Nếu không có chậu, bạn cũng có thể thay thế bằng bao tải. Cách trồng này cũng có lợi cho sự phát triển của cây.
Đất trồng:
Nên sử dụng loại đất tơi xốp, dễ thoát nước. Bạn có thể mua đất trồng được trộn sẵn tại các cửa hàng chuyên dụng hoặc tự trộn đất sạch với đất dinh dưỡng theo tỉ lệ 1:2. Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn trấu sống, tro trấu với phân giun quế theo tỉ lệ 1:2:1 để dùng làm đất trồng.
2. Tiến hành trồng trong chậu
Trước khi trồng phải ủ ẩm gừng giống, xếp những củ gừng thành đống, phun nước vào gừng 2 ngày/lần, đậy phủ 1 lớp bọc để giữ độ ẩm cho gừng. Khi gừng nảy mầm thì tách nhanh theo từng đốt. Sau khi gừng lành vết cắt có thể bôi thuốc trị bệnh diệt nấm, rệp lên củ gừng trước khi trồng. Trong quá trình ủ gừng phải kiểm tra mắt gừng, nếu bị chín ép thì phải tách bỏ trước.
Trồng trong mỗi chậu từ 2 – 3 mầm, sao cho mắt mầm gừng hướng lên phía trên, sau đó lấy đất mịn phủ kín củ gừng. Ấn chặt tay giữ cho củ gừng không bị nghiêng và để cho củ gừng tiếp xúc với đất.
Cho đất vào chậu rồi trồng
3. Cách chăm sóc cây
3.1. Tưới nước
Gừng là cây ưa ẩm nhưng sẽ chết nếu úng nước. Khi gừng vừa mới trồng, bạn nên tưới nước nhẹ bằng bình có vòi sen 2 lần/ngày, quan sát thấy đất vừa đủ ướt thì dừng tưới, tránh chôn sâu củ gừng sẽ bị úng nước thối củ, sau 20 ngày củ gừng sẽ ra mầm. Khi gừng bắt đầu có nhiều lá thì tưới mỗi ngày một lần.
Cần phải cung cấp vừa đủ nước trong suốt thời gian sinh trưởng. Khi thời tiết có độ ẩm cao hay trời mưa thì không cần tưới, để tránh gừng bị úng.
3.2. Ánh sáng
Cây gừng thích nghi tốt trong mọi điều kiện khí hậu, nhưng phát triển mạnh nhất khi thời tiết nắng ấm, và không chịu được lạnh. Bạn có thểđặt chậu gừng ở hiên nhà hoặc trong phòng đều được. Tuy nhiên, nếu đặt trong phòng, nên thỉnh thoảng mang chậu ra phơi nắng, gừng được quang hợp 5 đến 6 giờ/mỗi ngày sẽ cho nhiều củ hơn.
3.3. Bón phân
Bón phân cho gừng bằng cách ủ tro trấu, rơm mục hoặc xác lá cây mục với chế phẩm có chứa nấm đối kháng Trichoderma. Sau 20 ngày kể từ khi gừng mọc mầm thì bón bổ sung phân bò ủ hoai với phân trùn quế với tỷ lệ 1:1. Khi gừng đẻ 4-5 nhánh thì vun gốc và bón 2 tuần/lần bằng phân trùn quế, đạm cá,.. trước thu hoạch 14 ngày thì ngưng bón, chỉ tưới nước cho cây.
4. Lưu ý khi trồng
Trồng gừng tránh để độ ẩm cao quá làm gừng dễ bị thối. Khoảng 14 sau khi ủ, thấy gừng mọc mầm thì mang đi trồng, không để mầm quá dài sẽ dễ bị gãy trong quá trình vận chuyển. Kiểm tra các hom trước khi đem trồng, thấy những hom mềm, bị thối thì loại bỏ ngay để tránh lây lan.
5. Thu hoạch
Sau khoảng 7 đến 8 tháng kể từ ngày trồng, lá gừng sẽ rụng hết. Đây là dấu hiệu gừng có thể thu hoạch. Bạn chỉ cần đào củ lên và sử dụng hoặc bảo quản gừng để dùng dần.
Thu hoạch gừng
Vậy là Agri360 đã hướng dẫn xong cho bạn cách trồng gừng tại nhà vừa đơn giản vừa hiệu quả rồi. Nếu có thời gian, hãy tự trồng ngay cho mình một chậu bạn nhé! Chúc các bạn thực hiện thành công.