Lồng lưới nuôi ếch là một mô hình mới nổi lên trong những năm gần đây và đang được nhiều người áp dụng bởi những ưu điểm vượt trội so với phương pháp nuôi truyền thống. Mô hình này giúp tăng năng suất ếch, tiết kiệm chi phí, và giảm thiểu rủi ro.
Bài viết này Agri360 sẽ giới thiệu đến bạn mô hình lồng lưới nuôi ếch một cách chi tiết, từ khâu chuẩn bị lồng lưới, chọn giống, cho đến chăm sóc và thu hoạch.
Contents
1. Hiệu quả từ nuôi ếch bằng lồng lưới, kết hợp nuôi cá
Không cần đất để xây dựng chuồng trại nuôi ếch, ông Lã Đức Quảng ở xã Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội đã tận dụng diện tích mặt nước khu Suối Hai để vừa nuôi cá vừa nuôi ếch.
Trên là ếch, dưới là cá, đây là cách thức nuôi kết hợp độc đáo của ông Quảng. Thức ăn rơi vãi của ếch sẽ là nguồn thức ăn cho cá. Điều này giảm được số lượng thức ăn cung cấp cho cá, đồng thời hạn chế khả năng ao nuôi bị ô nhiễm. Kết hợp với việc nuôi ếch ở vùng nước lưu thông, đàn ếch của ông Quảng giảm 20% các loại bệnh.
Một trong những kỹ thuật bảo đảm hiệu quả chăn nuôi của ông Quảng là thiết kế chuồng nuôi ếch bằng các tấm lưới nilon. “Việc sử dụng lưới nilon nuôi ếch giúp tôi tiết kiệm khoảng 60% chi phí so với làm bể xi măng như trước kia”- Ông Quảng chia sẻ.
Ông Quảng xây dựng lồng nuôi và thực hiện các biện pháp chăm sóc ếch theo đúng hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
2. Hướng dẫn làm lồng lưới
Vị trí đặt lồng:
Các lồng ếch và lồng cá được đặt ở cách bờ 20m, nơi có mực nước sâu dưới 5m. Ở vị trí này các lồng cá, lồng ếch sẽ có nguồn nước ra nước vào, từ đó hạn chế được ô nhiễm môi trường nước.
Mắt lưới lồng:
Lồng nuôi ếch là loại lưới nilon. Kích cỡ mắt lưới khoảng 0,5-1cm. Bà con không nên dùng mắt lưới lớn hơn 1cm, ếch sẽ dễ bị thất thoát ra ngoài. Hoặc nếu mắt lưới mau thì những chất thải của ếch sẽ tích tụ, gây ô nhiễm lồng nuôi.
Kích thước lồng:
Lồng nuôi ếch được thiết kế như chiếc mùng quay ngược có nắp đậy. Kích thước dài khoảng 4m, rộng khoảng 3m, chiều sâu khoảng 1,2m. Với kích thước lưới như trên bà con có thể nuôi được khoảng 1.000 con ếch thương phẩm từ 100-200 gam.
Các thiết bị khác:
Lồng lưới đặt sao cho cách mặt nước khoảng 40-50 cm. Bên cạnh đó, để phòng tốt hơn trường hợp ếch nhảy ra, bà con nên lắp nắp lồng ở trên. Nắp lồng còn có tác dụng tránh nhiều địch hại cho ếch như rắn, chim. Nắp lồng che đậy xung quanh, chừa một khoảng ở giữa, chiều rộng của nắp lồng là 50 cm.
Mặt dưới của lồng sát mặt nước, bà con nên xếp các miếng xốp, nhằm làm chỗ nghỉ cho ếch và vãi thức ăn cho ếch.
Bà con dùng các miếng xốp có kích thước rộng 30 cm, dài 40 cm, đặt ở dưới đáy chiếc lưới. Khoảng cách giữa các tấm xốp là 20-25 cm. Những miếng xốp này bà con có thể vệ sinh dễ dàng bằng cách lật ngược 2 mặt thay đổi nhau, như vậy khâu vệ sinh cho ếch sẽ tốt hơn.
Các miếng xốp là nơi tắm nắng, nghỉ ngơi của ếch
Mật độ thả ếch:
Mật độ thả nuôi ếch từ 100 – 150 con/m2, kích cỡ 5 – 10 g/con. So với nuôi ếch trên cạn thì mật độ nuôi ếch trong lồng lưới nhiều hơn từ 10-20 con/m2.
Khi ếch nuôi khoảng 15 ngày, ếch đạt kích cỡ 100g. Bà con nên tiến hành san thưa ếch với mật độ 70 – 80 con/m2.
Phân loại ếch:
Trong quá trình nuôi, cần tách riêng các loại ếch, lớn nhỏ sang từng bể riêng để chăm sóc. Nhằm tránh tình trạng chúng chia thành bầy đàn, con lớn cắn con nhỏ. Gây hao hụt về số lượng và chậm lớn.
Khi phân loại ếch, bà con dùng vợt dài và bắt những con có kích thước tương đồng sang cùng 1 ô lồng. Chú ý, trong quá trình bắt, cần tránh làm xây xát và làm mất độ nhớt trên da của ếch. Bởi nếu da ếch bị tổn thương, các vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và gây bệnh cho ếch.
Kết luận
Lồng lưới nuôi ếch là một mô hình mới mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi. Mô hình này giúp tăng năng suất ếch, tiết kiệm chi phí, và giảm thiểu rủi ro.
Với những ưu điểm vượt trội như vậy, lồng lưới nuôi ếch hứa hẹn sẽ là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai.