Tái Chế Rác Thải – Tự Làm Phân Bón Hữu Cơ Cho Khu Vườn Xanh

Xử lý rác nhà bếp như thế nào tối ưu và hiệu quả là vấn đề mà nhiều gia đình đau đầu không tìm được hướng giải quyết phù hợp. Vậy đã bao giờ bạn nghĩ đến việc thay vì vứt bỏ những vỏ rau củ quả, bã trà sau khi sử dụng, bạn có thể biến chúng thành “vàng đen” cho khu vườn của mình? Tái chế rác thải nhà bếp để làm phân bón hữu cơ là một giải pháp sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và giúp bạn tiết kiệm chi phí.

Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện đơn giản và hiệu quả để biến rác thải thành nguồn dinh dưỡng cho khu vườn xanh.

Phân Bón Hữu Cơ Là Gì? Thành Phần Có Trong Phân Bón Hữu Cơ

Trước khi tìm hiểu cách ủ phân hữu cơ tại nhà, bạn cần hiểu được khái niệm phân hữu cơ là gì:

– Phân hữu cơ là loại phân chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng dưới dạng hợp chất hữu cơ. Phân được dùng trong canh tác và sản xuất nông nghiệp. Có nguồn gốc từ chất thải của gia cầm, gia súc, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp hoặc các thành phần hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, nhà bếp, các nhà máy sản xuất thủy – hải sản…

– Trong phân hữu cơ, thành phần chất hữu cơ thường chiếm hơn 22% và lượng khoáng chất thường hơn 15%. Sau khi hoàn thành quá trình ủ, phân hữu cơ rất giàu các khoáng chất như peptit, đạm, axit hữu cơ, kali  lân và một số vi lượng, trung lượng có lợi khác. Vì phân hữu cơ có nguồn gốc rất đa dạng nên thành phần chính của từng nhóm phân cũng khác nhau.

– Có 3 nhóm phân hữu cơ chính:

+ Nhóm phân hữu cơ từ động vật

Đây là nhóm phân có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và khá đa dạng như đạm (N), kali (K20), lân (P205), các chất trung lượng canxi (Ca), lưu huỳnh (S), magie (Mg), silic (Si02). Ngoài ra, phân hữu cơ từ nguồn động vật còn chứa các chất vi lượng khác như bo (B), coban (Co), molibden (Mo), đồng (Cu), kẽm (Zn), mangan (Mn), sắt (Fe).

+ Nhóm phân hữu cơ là phụ phẩm từ các nhà máy thủy sản:

Vỏ của các loài nhuyễn thể (động vật thân mềm, không xương, có vỏ đá vôi) như vỏ sò nghêu, ốc cung cấp các khoáng chất như magie, canxi, lưu huỳnh, sắt, kẽm… và một số thành phần chất trung lượng khác.

Trong khi đó, vỏ của các loài giáp sát như cua, ghẹ, tôm ngoài các khoáng chất cơ bản như magie, kẽm, sắt, coban, canxi… còn cung cấp một chất rất quan trọng là chitosan. Đây là một hoạt chất sinh học rất hữu ích trong việc bảo vệ cây trồng chống lại một số bệnh về vi khuẩn hoặc nấm. Không chỉ vậy, hoạt chất này còn giúp cây trồng tăng sức đề kháng, chống lại mầm bệnh một cách hiệu quả.

– Nhóm phân hữu cơ từ tro, than bùn:

Chiếm từ 35 – 57% hàm lượng chất hữu cơ cung cấp silic, K, N, P . Đặc biệt, loại phân dồi dào chất dinh dưỡng này còn chứa hàm lượng các axit fulvic, axit humic và humin.

Tại Sao Nên Ủ Phân Hữu Cơ Tại Nhà?

Dưới đây là những lý do bạn nên ủ phân hữu cơ tại nhà:

  • Ủ phân hữu cơ tại nhà sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải được thải ra môi trường.
  • Việc tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để ủ làm phân bón giúp tiết kiệm chi phí hơn so với việc mua phân bón ngoài thị trường.
  • Phân hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng trong nhà, giúp cây phát triển xanh tốt.
  • Sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, bảo vệ được môi trường sống và sức khỏe gia đình hơn.

Cách ủ rác thải nhà bếp thành phân hữu cơ tại nhà

Để ủ phân hữu cơ tại nhà từ rác thải nhà bếp, thức ăn thừa. Bạn hãy thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị thùng ủ phân

Bạn có thể ủ phân hữu bằng thùng xốp, thùng nhựa hoặc thùng gỗ, có thể tích từ 20 – 200 lít.

Lưu ý: Đối với những thùng kín bạn cần phải khoan vài lỗ để thoát nước.

Chuẩn bị thùng ủ phân

Thùng ủ phân (Nguồn: Sưu tầm)

Bước 2: Chọn vị trí đặt thùng phù hợp

Quá trình ủ phân thường sẽ tạo ra mùi hôi thối, phân bị rỉ nước ra ngoài. Thêm vào đó, các chất hữu cơ phân hủy là cũng nguồn thức ăn hấp dẫn côn trùng nên khi ủ, phân có thể thu hút côn trùng. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của gia đình bạn. Vì vậy, bạn hãy chọn vị trí đặt thùng cách xa khu vực sinh hoạt của gia đình mình nhé!

Bước 3: Phân loại rác để ủ phân

Rác thải từ nhà bếp cũng bao gồm chất thải vô cơ và hữu cơ. Những chất thải vô cơ rất khó phân hủy trong đất. Vì thế ta cần loại bỏ chúng trước khi thực hiện ủ rác thải nhà bếp làm phân bó. Rác hữu cơ bao gồm 2 loại là phân hữu cơ xanh và phân hữu cơ nâu:

  • Phân xanh cung cấp Nitơ cho cây trồng: cỏ tươi, tóc, rau quả thừa, lá cây tươi, vỏ lạc, bã cà phê…
  • Phân nâu cung cấp Carbon cho cây: mùn cưa, rơm rạ, lá khô, cỏ khô, vỏ trứng, túi lọc trà, vỏ cây, cành cây khô, giấy…

Lưu ý: Không sử dụng các loại rác như thịt gia súc, các loại xương… để ủ phân vì chúng khó phân hủy, dễ tạo ra mầm bệnh và mùi hôi thối.

Phân hữu cơ từ rác nhà bếp

Rác nhà bếp

Bước 4: Trộn rác hữu cơ

Xếp từng lớp phân nâu và phân xanh xen kẽ nhau vào thùng ủ. Mỗi lớp dày từ 5-10 cm. Sau mỗi lớp phân, bạn rắc đều 1 muỗng cơm trichoderma và 1 muỗng EM lên bề mặt. Cứ xếp như vậy cho đến khi đầy 75% thùng chứa thì rải một muỗng trichoderma. Đậy nắp thùng ủ lại. Sau đó 2 tuần thì bắt đầu mở nắp, tưới nước vào và trộn đều phân lên.

Lưu ý: 

  • Bạn chỉ tưới cho đống ủ hữu cơ ẩm chứ không tưới quá nhiều nước.
  • Trong quá trình ủ, bạn cần hạn chế mở nắp thùng ủ. Vì điều này làm ảnh hưởng đến không khí bên trong. Chỉ nên mở 1 ngày 1 lần để kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm.

Bước 5: Kiểm tra độ ẩm

Có hai cách thử độ ẩm đống ủ mà bạn có thể thực hiện:

– Cách thử nhiệt độ đống ủ không cần nhiệt kế:

Nhiệt độ lý tưởng để các vi sinh vật hoạt động và quá trình phân hủy diễn ra tốt là từ 40-60 độ C. Vi sinh vật sẽ chết cũng như hoạt động kém khi môi trường ủ có nhiệt độ ngoài ngưỡng nhiệt trên.

Khi không có nhiệt kế, bạn có thể sử dụng một cành cây tươi cắm vào lỗ đâm có sẵn bên hông thùng ủ. Cắm cây từ 5-6 ngày thì bạn rút cây ra và sờ vào đoạn mà cây tiếp xúc với đống ủ. Nếu thấy cành cây nóng là đạt yêu cầu. Còn không bạn cần phải bổ sung thêm trichoderma vào thùng ủ.

– Thử độ ẩm đống ủ bằng cách nắm thử phân ủ:

Dùng tay bốc 1 phần phân hữu cơ lên. Nếu thấy có nước chảy ra là đang quá ẩm. Nếu thấy phân khô và bung ra ngay thì phân đang thiếu nước và nếu bạn thả tay ra thấy phân kết dính với nhau thành cục thì phân có độ ẩm vừa đủ.

Khi phân quá khô, bạn tưới thêm 1 ít nước vào, trộn phân lên rồi dùng tay kiểm tra cho đến khi phân đạt được độ ẩm mong muốn. Nếu phân quá ướt, bạn có thể thêm các loại rác thải khô như vỏ cây, mụn dừa, vỏ trấu, cỏ khô, rơm rạ hay một lớp mỏng phân xanh hay phân nâu lên bề mặt.

Bước 6: Chờ kết quả

Sau khi ủ khoảng 30 đến 45 ngày thì rác đã phân hủy thành phân hữu cơ và có thể sử dụng. Phân tự ủ sẽ có những đặc điểm nhận biết sau:

  • Phân sẽ có màu nâu đất
  • Có mùi của đất
  • Phân hữu cơ vụn ra và trông giống như mùn

Một Số Lưu Ý Khi Ủ Phân Hữu Cơ

Khi ủ phân hữu cơ tại nhà, bạn cần phải lưu ý một số điều sau:

  • Bạn cần chọn địa điểm đặt thùng ủ có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp để vi sinh vật có thể hoạt động tốt và tạo ra nhiều chất dinh dưỡng.
  • Không nên thêm các sản phẩm chứa nhiều dầu, chất béo làm chậm quá trình phân hủy.
  • Không thêm quá nhiều nguyên liệu giàu carbon và nitơ vào phân ủ để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian ủ phân.
  • Không nên thêm quá nhiều phụ liệu vì điều này sẽ kéo dài thời gian phân hủy của rác.
  • Một số phương pháp ủ phân yêu cầu phải nén chặt các lớp phân. Tuy vậy, bạn cũng cần phải đảo trộn đống phân để cung cấp thêm oxy cho vi sinh ủ phân. Giúp đẩy nhanh quá trình ủ.
  • Nên kiểm tra nhiệt độ đống ủ. Không được để quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Cần lưu ý đến độ ẩm của đống ủ. Cần cung cấp đủ nước để phân không bị khô. Nhưng cũng không được thêm quá nhiều nước làm phân bị ướt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *